Bộ GD&ĐT yêu cầu ‘không vận động phụ huynh mua sách tham khảo’

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường không vận động học sinh, phụ huynh mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa dưới bất kỳ hình thức nào.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra chỉ thị, ký ngày 10/6, yêu cầu trường học không lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác để học sinh, phụ huynh mua và sử dụng. Bộ đồng thời quán triệt không vận động, tư vấn để phụ huynh mua những xuất bản phẩm ngoài sách giáo khoa trong danh mục đã được phê duyệt.

Đây là quy định đã được đề cập trong Thông tư số 21 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra vào đầu tháng 6, các đại biểu quốc hội cho rằng những năm qua quy định này chưa được thực hiện triệt để vì nhiều lý do.

Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tăng cường truyền thông để người dân hiểu sách giáo khoa có hai loại, gồm sách bắt buộc và sách bổ trợ, tham khảo. Khi đó, tùy điều kiện và nhu cầu của mỗi học sinh, phụ huynh có thể quyết định mua hoặc không mua sách tham khảo.

“Nên thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc và sách tham khảo, vì hiện nay số lượng đầu sách cho học sinh, kể cả cấp tiểu học đều quá nhiều. Trong số này, có những cuốn chỉ là tham khảo, nhưng vì không có hướng dẫn nên phụ huynh không hiểu rõ phải lựa chọn đầu sách nào”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó đoàn Hải Dương, nói trong buổi thảo luận về kinh tế – xã hội tại Quốc hội sáng 2/6.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng đề nghị cấm bán sách tham khảo trong nhà trường.

Sách giáo khoa lớp 1 được bày bán tại một hiệu sách ở quận Cầu Giấy, Hà Nội

Cũng tại Chỉ chị này, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương tuyên truyền tới giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa, không viết, vẽ vào sách để sử dụng lâu bền.

Ngoài ra, các trường cần bố trí kinh phí hợp lý để mua sách cho thư viện, giúp học sinh mượn, đồng thời vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ cho các khóa sau sử dụng.

Ngoài quy định với trường và địa phương, Bộ cũng yêu cầu các nhà xuất bản phải rà soát, đánh giá việc in ấn, phát hành nhằm giảm giá và chuẩn bị đủ số lượng sách giáo khoa cần thiết. Trước khi phát hành hoặc tái bản sách, nhà xuất bản phải báo cáo Bộ về kết quả rà soát và phương án giảm giá sách.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua năm 2018, bắt đầu áp dụng với lớp 1 trong năm học 2020. Đi kèm với chương trình, sách giáo khoa mới cũng được thiết kế và đưa vào sử dụng. Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”.

Năm 2021, chương trình triển khai với lớp 2 và 6, sau đó là ba lớp 3, 7, 10 (năm 2022), 4, 8 và 11 (2023), cuối cùng là 5, 9, 12 (2024).

Trong quá trình triển khai chương trình mới, Bộ Giáo dục và các nhà xuất bản thường xuyên đối mặt với những chỉ trích liên quan đến giá sách cao; sách giáo khoa không thể tái sử dụng, gây lãng phí lớn; chi phí học tập tăng mạnh…

Nguồn: https://vnexpress.net/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *