Thời gian qua, ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều đề tài khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Đây là một trong những thành quả để góp phần đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của vùng…
Trước thực trạng nhiều năm qua, ngành Chăn nuôi lợn của Việt Nam phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng do bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây ra cùng nhiều bệnh do vi rút khác như dịch tả, lở mồm long móng, tai xanh… nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đề tài “Nghiên cứu tạo sản phẩm interferon-@ lợn tái tổ hợp ứng dụng trong phòng bệnh do vi rút gây bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên lợn nuôi”.
Nhóm nghiên cứu đã dựa trên nguyên lý interferon (IFN) là glycoprotein được sản xuất bởi hầu hết các tế bào động vật có xương sống nhằm đáp ứng lại sự xâm nhiễm của các tác nhân như sinh vật gây bệnh (vi rút, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng,…) để thực hiện nghiên cứu chế phẩm chữa bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng tạo tế bào nấm men P.pastoris bằng kỹ thuật DNA tái tổ hợp, từ đó tạo ra sản phẩm Pig-Feron dạng tan, như một loại vắc xin tiêm cho lợn nuôi để phòng bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua thử nghiệm trên nhiều đàn lợn nuôi tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, chế phẩm Pig-Feron được tiêm 3-5 ngày/lần cho đàn lợn trong vùng dịch có tỷ lệ bảo vệ an toàn là 100%. Trong khi đó, các đàn lợn trong vùng dịch không tiêm chế phẩm này đều nhiễm bệnh, gây chết hàng loạt. “Hiện, Pig-Feron được khuyến cáo tiêm đại trà cho đàn lợn nuôi ngay từ đầu, đặc biệt với lứa tái đàn. Cuối năm 2021, Pig-Feron được trao giải Nhất hội thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh” lần thứ 26”, ông Dương Hoa Xô thông tin.
Trong lĩnh vực nhân giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao, ngành Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng đạt được nhiều thành tựu. Nổi bật trong số đó là mới đây, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm) đã nghiên cứu và thực hiện thành công quy trình nhân giống lan một lá bằng hệ thống ngập chìm tạm thời, có thể ứng dụng vào sản xuất quy mô công nghiệp, góp phần chủ động trong việc sản xuất quy mô lớn loại dược liệu quý này.
Lan một lá được biết đến là thảo dược quý, chuyên dùng chữa lao phổi, ho, giải độc, trị mụn nhọt, sát trùng, diệt khuẩn vết thương. Loài cây quý này có nguy cơ cạn kiệt vì bị khai thác quá mức. Việc nhân giống chủ yếu được thực hiện bằng củ, nên số lượng cây giống được tạo ra không nhiều, khó đáp ứng được nguồn cây giống cho các vùng chuyên canh cây dược liệu.
Để nhân giống loài cây quý này, Trung tâm đã nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nhân giống bằng hệ thống ngập chìm tạm thời. Theo đó, những đoạn rễ lan một lá được cắt khúc 2-3cm, cho ngâm chìm tạm thời trong dung dịch đặc biệt (số lần ngập chìm là 6 lần/24 giờ, thời gian mỗi lần ngập chìm là 10 phút), thể tích môi trường nuôi cấy là 600ml. Kết quả là trong 12 tuần, rễ lan một lá sinh trưởng gấp 6 lần ban đầu, tạo thành sinh khối lan một lá, có thể ươm trồng đại trà. Bằng phương pháp này, giá bán chỉ khoảng 900 nghìn đồng/kg sinh khối thân rễ tươi. Trong khi đó, giá bán lan một lá trên thị trường từ 1,5-2 triệu đồng/kg sinh khối thân rễ tươi.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết, quy trình nhân giống lan một lá nêu trên đã kết thúc quá trình thử nghiệm quy mô công nghiệp tại một doanh nghiệp của Trung tâm là Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất giống cây trồng VINA IN – VITRO. Hiện Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh có thể chuyển giao quy trình nhân sinh khối dược liệu lan một lá cho các đơn vị có nhu cầu.
Nguồn: Hanoimoi.com.vn