BP – Ngày nay khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân đã khá lên thì mỗi độ tết đến, xuân về chuyện ăn tết đã trở thành phụ mà cái chính là việc chơi tết. Người Việt hiện đại, nhất là giới trẻ ngày nay đang chuyển hóa việc ăn tết cổ truyền thành thú lãng du mới là chơi tết. Nhưng chơi tết ở đâu và chơi như thế nào thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
Các điểm đến vui chơi trong dịp tết ở Bình Phước không nhiều nhưng cũng khá hấp dẫn, trong đó có những nơi rất phù hợp với giới trẻ. Đó là những thắng cảnh đẹp, các di tích văn hóa, lịch sử tâm linh như: núi Bà Rá, trảng cỏ Bù Lạch, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo; Khu căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, lâm viên Mỹ Lệ…
LÂM VIÊN MỸ LỆ
Nằm trên địa bàn xã Long Hưng (Phú Riềng), ngay bên đường ĐT741, lâm viên Mỹ Lệ có diện tích gần 80 ha, xây dựng theo một phong cách kiến trúc đẹp, kết hợp hài hòa giữa đất, trời, cỏ cây xanh tươi và được bao bọc bởi những lô cao su và vườn điều. Đứng trên đồi thông, phóng tầm mắt ra xa là khu vườn chè xanh mướt, phía dưới là dòng suối uốn lượn quanh sườn đồi. Đến đây du khách còn được hòa mình vào những hoạt động vui chơi giải trí như đi xe đạp đôi, xe trâu, xe ngựa, câu cá, bơi thuyền, tắm hồ, vượt cầu khỉ, ngắm các loài thú rừng, chim muông. Đi dạo bộ trong vườn cây trái sum suê, khi mỏi chân du khách có thể ngồi câu cá hay chọn cho mình một chiếc thuyền vịt bơi trong lòng hồ. Phong cảnh thiên nhiên nơi đây sơn thủy hữu tình rất đỗi thanh bình. Đến lâm viên Mỹ Lệ, người gốc thôn quê nhớ lại thuở tắm sông, bắt cá; người thị thành hào hứng bởi được làm mục đồng và thưởng thức các món ăn dân dã chế biến từ nguyên liệu nuôi trồng sẵn có trong vườn.
CÁP TREO BÀ RÁ
Với tiết trời se lạnh của những ngày đầu xuân, du khách có thể tìm cho mình những phút thư giãn bằng cách hòa mình với thiên nhiên ở độ cao 723m của ngọn núi Bà Rá (Phước Long). Hệ thống cáp treo núi Bà Rá khá hiện đại, dài 2.136m, những năm qua đã phục vụ du khách tham quan liên tục trong dịp xuân mới. Trên đỉnh núi có các điểm thờ tự, du khách có thể đến tham quan thắng cảnh, cầu bình an trong những ngày đầu năm mới. Ngồi trên cáp treo lên núi Bà Rá, chúng ta có thể ngắm hoa cỏ, chim muông từ trên cao và nhất là toàn cảnh lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Quanh quần thể núi Bà Rá có những phong cảnh, hang động gắn với lịch sử của tỉnh Phước Long (cũ); trên đỉnh núi còn có hệ thống tiếp vận Đài Phát thanh – Truyền hình Bà Rá… để du khách tìm đến chụp ảnh lưu niệm.
Ngồi trên cáp treo, du khách có thể ngắm nhìn hoa cỏ, chim muông của rừng nguyên sinh núi Bà Rá- Ảnh: Sỹ Hòa
KHU BẢO TỒN VĂN HÓA DÂN TỘC S’TIÊNG SÓC BOM BO
Khu bảo tồn được xây dựng trên diện tích 39 ha trong tổng diện tích quy hoạch hơn 113 ha, tại huyện Bù Đăng. Công trình hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động từ ngày 17-10-2015; gồm các hạng mục: sân lễ hội, nhà dài truyền thống đồng bào dân tộc S’tiêng, nhà đón tiếp, nhà truyền thống tái hiện lại các làng nghề như dệt thổ cẩm, nấu rượu, rèn, đan lát,… Dù chưa hoàn chỉnh nhưng mỗi tháng nơi đây đã có hàng ngàn du khách trong nước đến tham quan. Đến với khu bảo tồn, sau khi tham quan hình ảnh, hiện vật về tập quán, nét sinh hoạt của đồng bào dân tộc S’tiêng xưa tại nhà đón tiếp, men theo con đường mang tên cố nhạc sĩ Xuân Hồng, lên đến đỉnh đồi, du khách sẽ tiếp tục chiêm ngưỡng hệ thống nhà dài của người S’tiêng. Tại đây, có các bức tượng tái hiện cảnh nam, nữ S’tiêng cùng bộ đội giã gạo nuôi quân và lễ hội đâm trâu của đồng bào. Sân lễ hội là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa – văn nghệ của cộng đồng S’tiêng trong vùng và là nơi để mọi người có thể tổ chức các hoạt động dịp lễ, tết.
Du khách xem voi ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo – Ảnh: Sỹ Hòa
CĂN CỨ TÀ THIẾT
Căn cứ Quân ủy và Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam (thường gọi là Căn cứ Tà Thiết) cách trung tâm thị trấn Lộc Ninh 17km, thuộc địa bàn xã Lộc Thành (Lộc Ninh). Căn cứ được xây dựng từ năm 1973 là một tổng thể hệ thống giao thông hào, hầm trú ẩn, hội trường ngầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và quân đội ta. Các hạng mục trong căn cứ đều được xây dựng theo lối nửa chìm nửa nổi, cách nhau từ 50-200m, nép mình dưới những tán cây lớn và bụi le đan cài chằng chịt. Hệ thống nhà, hầm, hào giao thông được nối với nhau liên hoàn, bảo đảm sinh hoạt, làm việc thuận lợi, thông thoáng và an toàn. Người dân trong vùng thời ấy quen gọi nơi này là “rừng Chính phủ”. Khu di tích lịch sử này có địa bàn rộng, bằng phẳng, không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Đến đây, du khách không chỉ được chứng kiến những hình ảnh, hiện vật, tư liệu sinh động mà còn được thưởng thức những món ăn mang tính đặc trưng của thời kỳ kháng chiến như cơm nắm muối vừng, canh thục cơm lam, canh chua lá giang, măng rừng đọt mây, khoai mì nướng…
Hội trường Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết – Ảnh: Tuyết Ly
TRẢNG CỎ BÙ LẠCH
Trảng cỏ Bù Lạch ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn hưởng bầu không khí trong lành những ngày xuân nắng ấm. Là một cụm gần 20 trảng cỏ lớn nhỏ với diện tích khoảng 500 ha, trảng cỏ Bù Lạch được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp diệu kỳ cùng một nền văn hóa của đồng bào các dân tộc Mơnông, S’tiêng, Mạ… tạo nên khung cảnh đặc sắc và hoang sơ, thanh bình.
Một góc hồ nước tại trảng cỏ Bù Lạch – Ảnh: H.Châu
Trảng cỏ Bù Lạch nằm giữa khu rừng với thác, suối, đèo. Thảm cỏ xanh pha lẫn màu tím hoa sim tạo thành một bức tranh quyến rũ. Trảng rộng mênh mông, ở giữa là một hồ nước trong xanh, không gian vắng lặng, tiếng gió rì rào quyện lẫn tiếng chim rừng. Theo người dân ở đây, vào mùa khô trảng cỏ chuyển sang màu vàng, nhưng chỉ sau một cơn mưa là màu xanh mướt lại trỗi dậy. Ngày 22-5-2015, nhà làm phim Hollywood là David R Hardberger hợp tác với đạo diễn trẻ Phan Minh của Việt Nam sản xuất tác phẩm điện ảnh hài có tên “Trùm cỏ”. Bộ phim có cảnh quay chính tại phim trường trảng cỏ Bù Lạch. Vì vậy, Bù Lạch ngày càng nổi tiếng và có sức hút kỳ lạ đối với nhiều người. Hiện nay, mặc dù con đường từ ngã ba Vườn Chuối vào trảng cỏ đã xuống cấp và đi lại rất khó khăn nhưng các ngày nghỉ vẫn rất đông người đến đây vui chơi. Con đường này đã được đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành trong vài năm tới.
Trong những ngày lễ, tết nhiều người muốn lánh xa thành phố trở về với đồng quê hay rừng núi, hãy đến với Bình Phước và nhất là tới trảng cỏ Bù Lạch, một địa điểm lý tưởng để du xuân
Đức Hồng
(Nguồn: báo Bình Phước)