Du học sinh nên lưu ý tìm hiểu trước quy định về nhà ở, mức chi tiêu, phương tiện đi lại… để tìm giải pháp phù hợp, sớm thích nghi với cuộc sống mới.
Trong tập ba tọa đàm “Shine with Australia – Tỏa sáng cùng Australia”, Helena Nguyễn – kiểm toán FSO tại Ernst & Young Vietnam, cựu sinh viên Đại học Queensland, Jenna Nguyễn, sinh năm 1995 – trợ lý văn phòng Phó hiệu trưởng, Đại học Western Sydney đã chia sẻ một số kinh nghiệm nhằm giúp các bạn trẻ mới sang hoặc có ý định du học Australia hiểu rõ hơn về cuộc sống tại đây.
Thuê nhà
Theo Jenna Nguyễn, việc quan trọng và cũng dễ gặp khó khăn nhất khi du học là thuê nhà. Có được chỗ ở ổn định tác động tích cực đến quá trình học tập, đi lại cũng như sinh hoạt hàng ngày của mỗi người. Tuy nhiên, do thiếu may mắn hoặc chuẩn bị chưa kỹ, nhiều bạn trẻ đã gặp rắc rối không nhỏ trong quá trình tìm và thuê nhà.
Thực tế, Helena Nguyễn từng nằm trong số đó. Cô sinh viên sinh năm 1999 từng suýt bị lừa mất 600 AUD tiền đặt cọc. Trước khi qua Australia, cựu du học sinh nhờ người tìm nhà. Tuy nhiên, khi đến nơi, căn nhà khác hoàn toàn so với hình ảnh trên mạng. Sau khoảng 6 tháng sinh sống, phát hiện chủ nhà có ý định lừa mình, cô lên mạng tìm kiếm cách để lấy lại số tiền đó.
Helena Nguyễn (áo trắng) tại sự kiện tạo dựng mạng lưới quan hệ khi học ở Australia.
Từ đây, Helena bắt đầu trao đổi với chủ nhà và phát hiện, người này chỉ thuê lại căn nhà. Trong khi đó, việc cho thuê lại nhà không chính chủ như vậy là phạm pháp tại Australia. Nắm được quy định này, cô lấy lại được số tiền đã mất.
“Đó là 4 tuần tiền thuê nhà, không phải ít. Đấy là kinh nghiệm xương máu của mình”, cô nói thêm.
Sau trải nghiệm này, Helena rút ra kinh nghiệm, du học sinh có thể tham khảo trước giá nhà từ các trang web như Real Estate, Domain Australia…, đồng thời, tìm hiểu trước Luật về nhà ở tại Australia trước khi nhập cảnh.
Jenna Nguyễn bổ sung, việc xem trước hình ảnh qua mạng cũng có thể gặp rủi ro về tính chính xác. Do đó, du học sinh có thể tham khảo qua đại lý (agent). Các đơn vị này làm việc với quy trình rõ ràng, kiểm tra nhà, chụp ảnh và báo cáo những vật dụng, thiết bị hỏng trước khi bàn giao cho khách hàng. Bên cạnh đó, người thuê có thể ghi chép lại những gì còn bất cập trước khi nhận nhà để đảm bảo quyền lợi về tiền cọc sau này.
Ngoài ra, Chính phủ Australia luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho sinh viên quốc tế. Theo đó, chính quyền các bang thường có cơ quan phụ trách vấn đề nhà ở, tiền cọc cho du học sinh. Ví dụ, tại bang Queensland, các bạn có thể là việc với RTA (Residential Tenancies Authority – Tổ chức dân cư cư trú) để nhận lại tiền cọc được hoàn trả tự động thông quan cơ quan Chính phủ nếu đáp ứng các điều kiện lúc chuyển vào. Các bang khác như New South Wales có Fair Trading, Access Canberra của Canberra, Victoria với Consumer Affairs Victoria… cũng áp dụng chính sách tương tự.
“Hãy đảm bảo rằng bạn đang ở trong một căn nhà hợp pháp và tiền cọc cũng đang được bảo vệ”, Helena nhấn mạnh.
Mức chi phí sinh hoạt
Bên cạnh học phí, du học sinh cần nắm rõ về mức chi phí sinh hoạt tại nước chuẩn bị nhập cảnh để lên kế hoạch chi tiêu phù hợp. Jenna Nguyễn cho biết, tại Australia tiền nhà thường tính theo tuần. Lương được trả mỗi hai tuần một lần thay vì định kỳ theo tháng như ở Việt Nam.
Mức lương trung bình ở Australia cao hơn Việt Nam. Do đó, mức sống tại đây cũng chênh lệch khá lớn. Giá cả thực phẩm cao hơn rất nhiều so với ở Việt Nam. Ví dụ như, bó rau cải có giá khoảng 2,5 AUD, khoảng hơn 40.000 đồng; một tô phở cũng sẽ tầm 13 AUD đến 17 AUD, tương đương 200.000 – 300.000 đồng… Nếu so với Việt Nam, mức giá này là rất đắt nhưng một khẩu phần lại rất lớn. Tuy nhiên, Australia thường xuyên có chương trình khuyến mãi đầu, cuối mùa hoặc cuối năm tài chính… Nếu sinh viên “săn” đồ vào lúc này có thể tiết kiệm khá nhiều chi phí.
Theo đó, quản lý tài chính chi tiêu là điều không thể thiếu đối với mỗi du học sinh. Theo Jenna Nguyễn, khi đi du học, sinh viên thường sẽ được gia đình cho một khoản tiền lớn để trang trải chi phí cuộc sống. Vì vậy, các bạn cần học cách phân bổ sao cho hợp lý.
Trong những tháng đầu tới Australia, cô từng hốt hoảng gọi điện thoại về cho gia đình vì cuối tháng không còn tiền. Do đó, cô khuyên sinh viên nên lập kế hoạch chi tiêu từ khi còn ở Việt Nam và tìm hiểu kỹ giá cả mặt bằng chung của Australia để tránh tình trạng như mình.
“Các bạn có thể nghiên cứu trên các website của trường, chính phủ Australia hoặc chia sẻ của các anh chị đi trước để có cái nhìn chi tiết về cuộc sống nơi xứ người”, nữ diễn giả nói thêm.
Jenna Nguyễn (giữa) cùng các bạn tại Đại học Western Sydney.
Giờ giấc và phương tiện di chuyển
Jenna Nguyễn lưu ý, người Australia rất đúng giờ. Trước những sự kiện lớn, họ sẽ đến sớm hơn giờ bắt đầu. Theo quan sát của cô, khi tổ chức sự kiện, rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đã đến trễ. “Sau này khi tổ chức riêng cho các bạn, mình đều phải ghi là tới trước 15-30 phút”, cô kể lại.
Cựu du học sinh 9x này khuyên các bạn trẻ nên tập cách tính toán và lên kế hoạch giờ giấc kỹ càng để không phải bị trễ giờ đi học, đi làm hoặc những sự kiện quan trọng, đặc biệt là khi sử dụng phương tiện công cộng.
Du học sinh nên chuẩn bị trước các thiết bị, vật dụng và tìm hiểu thời gian, cách sử dụng để tránh lúng túng trước giờ di chuyển. Phương tiện công cộng ở Australia như xe lửa, xe điện, xe buýt hay phà đều rất tiện lợi và hiện đại nên được đa số người dân chọn dùng. Người dân có thể sử dụng một loại thẻ để đi tất cả các loại phương tiện này. Mỗi bang sẽ có tên thẻ và chính sách khác nhau. Ví dụ tại bang New South Wales, thẻ này được gọi là Opal. Người dùng cần nạp tiền vào thẻ qua ứng dụng hoặc ở các máy đặt tại ga hoặc trạm.
Ngoài ra, sinh viên có thể dùng thẻ tín dụng để chạm vào máy khi lên phương tiện. Lưu ý khi xuống hay lên đều cần phải chạm thẻ để máy tính tiền. Nếu quên chạm thẻ, các bạn sẽ bị trừ tiền hoặc có cảnh sát, nhân viên lên tàu kiểm tra thẻ và xử phạt.
“Mình đã quên chạm thẻ một lần do phải chạy vội bắt xe buýt và bị trừ gấp đôi tiền”, Jenna chia sẻ.
Ngoài ra, Australia luôn có ứng dụng hiển thị cụ thể giờ giấc các chuyến xe lửa, xe buýt nên sinh viên có thể dùng những công cụ này để lên kế hoạch rời nhà, bắt chuyến xe phù hợp để đến đúng giờ.
“Đây cũng là một hành trang tốt cho các bạn khi hòa nhập, đi học và cả đi làm sau này”, cựu du học sinh nói.