Cần thanh tra thường xuyên việc chọn sách giáo khoa

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là 1 trong 4 chuyên đề đang được Quốc hội lấy ý kiến đại biểu để lựa chọn 3 chuyên đề Quốc hội giám sát tối cao.

Học sinh lớp 1/5 Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, TP.HCM trong một tiết học môn tiếng Việt chương trình mới

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Thúy – phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội – chia sẻ: “Tôi tán thành ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vấn đề thực hiện các nghị quyết số 88 năm 2014 và số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông vào nội dung giám sát trong năm tới”.

Có những sai sót chưa được tiếp thu, điều chỉnh

* Quan điểm của bà thế nào khi việc đổi mới chương trình, SGK phổ thông là 1 trong 4 chuyên đề được đề xuất Quốc hội giám sát tối cao năm 2023?

– Theo tôi, đây là vấn đề không nên thu hẹp trong phạm vi giám sát của ủy ban thường vụ mà nên được Quốc hội giám sát tối cao. Bởi 2 nghị quyết này của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng. Theo lộ trình được quy định tại nghị quyết 51, sau 2 năm nữa (năm học 2024 – 2025) sẽ hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới chương trình, SGK ở toàn bộ các cấp học phổ thông.

Việc Quốc hội thực hiện giám sát tối cao vào thời điểm này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ, kịp thời ưu, khuyết điểm trong quá trình thực hiện các nghị quyết trên. Từ đó có định hướng chỉ đạo tiếp tục đổi mới có hiệu quả trong những năm tới.

* Ngay từ khi được đưa vào sử dụng, SGK mới đã bộc lộ một số sai sót về khoa học và giáo dục. Những hạn chế này đến nay đã được khắc phục chưa, thưa bà?

– Năm học đầu tiên, khi dư luận phê bình một số bài đọc trong SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Cánh Diều sử dụng ngôn ngữ không phù hợp, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo đơn vị xuất bản sửa chữa nghiêm túc, kịp thời. Đó là việc làm đáng hoan nghênh.

Nhưng sau đó, khi dư luận tiếp tục phát hiện những sai sót nghiêm trọng về khoa học và giáo dục trong SGK Tiếng Việt 1, Tiếng Việt 2, Ngữ văn 6, Khoa học tự nhiên 6 của Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục thì bộ và đơn vị xuất bản không tiếp thu, điều chỉnh theo tinh thần cầu thị.

Sách mà học sinh và giáo viên đang sử dụng vẫn chưa hề được sửa chữa. Trong khi đó, trả lời đại biểu Quốc hội, bộ trưởng lại nêu thông tin là đã sửa chữa, thu hồi hàng trăm nghìn quyển sách. Thông tin này không đúng với thực tế.

Giám sát đổi mới sách giáo khoa là cần thiết. Hình ảnh học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) trong một tiết học

* Nhiều phụ huynh cũng không đồng tình với việc hằng năm SGK không sử dụng lại được cho lớp sau, gây tốn kém cho xã hội. Hay mỗi cuốn sách lại có nhiều vở bài tập, sách tham khảo đi kèm, tạo thêm gánh nặng chi phí cho các gia đình. Bà có nhận thấy điều này?

– Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các NXB thiết kế, in ấn SGK theo hướng không để học sinh viết vào sách; các hội đồng thẩm định SGK cũng đòi hỏi SGK phải tuân thủ điều này. Nếu có những bài tập yêu cầu điền chữ, ký hiệu hoặc tô, vẽ thì những bài tập ấy đều được thể hiện vào vở bài tập, tách rời SGK.

Do vậy, phụ huynh học sinh hoặc thầy cô phát hiện quyển SGK nào có những bài tập yêu cầu học sinh viết, vẽ vào sách nên phản ảnh với Bộ GD-ĐT để bộ chỉ đạo NXB điều chỉnh, thu hồi.

Bộ GD-ĐT cũng cần chỉ đạo các NXB không làm vở bài tập cho tất cả các môn học mà chỉ làm vở bài tập cho những môn thật cần thiết. Các đơn vị phát hành sách cũng cần chấm dứt việc đóng gói chung SGK với vở bài tập, vì vở bài tập không phải loại sách bắt buộc phải mua. Làm bài vào vở bài tập thuận tiện hơn nhưng học sinh hoàn toàn có thể dùng vở ô li (vở giấy trắng).

Cân nhắc kỹ trước khi quyết định về môn lịch sử

* Hiện nay tuy Bộ GD-ĐT giao quyền lựa chọn SGK cho các hội đồng lựa chọn SGK các địa phương nhưng trong thực tế có thể xảy ra tình trạng không khách quan, công bằng, minh bạch… thậm chí có “hiện tượng Việt Á” như bà từng đặt vấn đề. Theo bà, cần thay đổi quy trình lựa chọn SGK ra sao để đảm bảo công bằng, minh bạch?

– Bộ GD-ĐT cần sửa ngay thông tư 25 để khắc phục tình trạng hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh bỏ qua ý kiến lựa chọn của các cơ sở giáo dục. Mặt khác, bộ cũng cần thực hiện kiểm tra, thanh tra thường xuyên, chấn chỉnh tình trạng thiếu khách quan, công bằng, minh bạch, thậm chí chạy chọt cửa sau như dư luận đã nêu. Báo chí có phản ánh chuyện một công ty thuộc một NXB làm SGK hằng năm chi hàng chục tỉ đồng để “phát triển thị trường”.

Thanh tra nên làm rõ chi “phát triển thị trường” là chi những gì. Có làm được những việc này mới đảm bảo cạnh tranh lành mạnh để ngày càng nâng cao chất lượng SGK, phù hợp với lợi ích của người học và người dạy. Ngược lại, nếu để tình trạng tiêu cực tiếp tục diễn ra, trước sau cũng phá hỏng chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK đã nêu trong nghị quyết 88 và Luật giáo dục.

Học sinh lớp 2/5 Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, TP.HCM trong một tiết học môn tiếng Việt

* Cuối cùng, Chính phủ vừa cho biết sẽ nghiên cứu đưa môn lịch sử vào chương trình bắt buộc ở trường trung học phổ thông, thay vì chỉ là môn học lựa chọn như Bộ GD-ĐT thiết kế. Bà nhận thấy điều này có hợp lý và cần thiết?

– Từ năm học 2022 – 2023 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, chắc chắn không tránh khỏi những bất cập trong tổ chức thực hiện. Dư luận hiện nay một chiều ủng hộ việc bố trí môn lịch sử cùng với 9 môn học khác ở cấp trung học phổ thông là môn học được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp và nguyện vọng cá nhân, vì điều đó đúng với tinh thần nghị quyết 29 của trung ương và nghị quyết 88 của Quốc hội.

Chiều khác đông hơn lại không đồng tình, vì e rằng những học sinh không lựa chọn môn lịch sử sẽ không “tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, từ đó sẽ thiếu tinh thần yêu nước, “dẫn đến những hậu quả khôn lường”.

Trong khi đó, Bộ GD-ĐT chưa công bố cho dư luận biết ý kiến của hội đồng thẩm định chương trình, của các sở GD-ĐT, các giáo viên, các chuyên gia, các bộ ngành, trong đó có Ủy ban Văn hóa – giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa XIV và của các tầng lớp nhân dân qua các hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến về Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình đã được ban hành 4 năm, nay mới chuẩn bị triển khai ở cấp THPT. Các trường THPT đã đầu tư công sức thiết kế các tổ hợp môn học, nay thêm một môn học bắt buộc, chắc sẽ phải dỡ ra làm lại từ đầu.

Chính phủ và đặc biệt là Bộ GD-ĐT cần hết sức thận trọng, theo dõi sát sao tình hình thực hiện để hướng dẫn kịp thời. Lắng nghe dư luận xã hội để thu nhận được ý kiến từ nhiều chiều. Cần xác định và truyền thông rõ về triết lý dạy học trong chương trình mới để toàn xã hội tiếp cận thông tin đầy đủ.

Tôi đề nghị Chính phủ và Quốc hội bình tĩnh, cân nhắc kỹ trước khi đi đến quyết định. Để có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, từ đó đưa ra giải pháp thuyết phục, có thể đợi triển khai chương trình ít nhất 1 năm học, đánh giá thực tế rồi hãy quyết định.

Với quan điểm phát triển chương trình thì chương trình có thể điều chỉnh để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, nội dung điều chỉnh phải rõ ràng, cụ thể. Kế hoạch điều chỉnh phải được chuẩn bị chu đáo; thời điểm, tiến độ thực hiện cần bảo đảm làm sao để tránh ảnh hưởng lớn đến cấu trúc chương trình đã được nghiên cứu, xây dựng, trải qua quy trình chặt chẽ trước khi được phê duyệt.

Quy trình làm sách giáo khoa ra sao?

Theo quy trình làm SGK hiện nay, Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 33 và thông tư 33 sửa đổi bổ sung quy định về tiêu chí biên soạn SGK, tiêu chuẩn về tác giả chủ biên, thẩm định chương trình SGK.

Căn cứ vào thông tư, căn cứ vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các đơn vị xuất bản tổ chức nhóm tác giả nghiên cứu, chuẩn bị biên soạn. SGK sau khi được biên soạn sẽ đăng ký thẩm định. SGK được bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt và giới thiệu đến các trường. Các nhà xuất bản có trách nhiệm cung cấp bản mẫu, giới thiệu và tập huấn sử dụng SGK…

Cũng theo quy định, việc biên soạn một bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 các đơn vị phải có đề cương khung toàn bộ từ lớp 1 đến lớp 12, trong đó xác định ma trận năng lực cần đạt (tùy theo từng môn học, cấp học).

Đây là căn cứ để tác giả viết, đáp ứng yêu cầu về năng lực cần đạt. SGK có kênh chữ, kênh hình và có thể tích hợp công nghệ 4.0 để xây dựng sách điện tử. Sau khi các tác giả viết, sẽ có thẩm định nội bộ để phản biện chỉnh sửa và tiến hành thực nghiệm (đưa vào nhà trường dạy thử để đánh giá), sau đó tiếp tục điều chỉnh trước khi hoàn thiện.

SGK trải qua hai vòng thẩm định. Sau khi sách được hội đồng thẩm định đánh giá đạt, Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát đối chiếu với các văn bản pháp luật hiện hành để loại bỏ các nội dung phạm quy trước khi trình bộ trưởng phê duyệt.

Hằng năm, các gia đình phải chi một khoản không ít cho việc mua sách giáo khoa mới, nhất là các gia đình đông con, gia đình khó khăn lại càng thêm khó

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *