Cảnh sắc hùng vĩ vùng Yên Thịnh

Núi non trùng điệp bao quanh thung lũng, cụm dân cư và nhịp sống mùa cấy ở xã vùng cao huyện Hữu Lũng gây ấn tượng du khách.

 

 

Tác giả 8X Bùi Vinh Thuận (Thuận Bùi), quê ở Lạng Sơn, là một người đam mê nhiếp ảnh, quảng bá cảnh đẹp quê hương đến với du khách trong, ngoài nước. Trong tháng 7 này, anh thực hiện bộ ảnh “Cảnh sắc Yên Thịnh” thuộc huyện Hữu Lũng, chủ yếu chụp trên cao. Hữu Lũng cùng với Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan và Chi Lăng được tỉnh Lạng Sơn thành lập Công viên địa chất Lạng Sơn vào tháng 12/2021, mục đích bảo vệ các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa và đa dạng sinh học.

 

 

Yên Thịnh, cách trung tâm thị trấn Hữu Lũng khoảng 18 km, có phong cảnh đẹp choáng ngợp, được ví như “Hạ Long trên cạn” của Lạng Sơn. Điểm du lịch hoang sơ mới nổi này có vị trí thuận lợi, nằm trên đường tỉnh lộ 243 nối xã Yên Thịnh với xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng và đi sang huyện Bắc Sơn, Bình Gia.

 

 

Toàn xã Yên Thịnh có diện tích tự nhiên khoảng 5,561 ha, có 9 thôn, điểm nhấn phong cảnh là khối núi đá vôi kỳ vĩ, nép mình dưới chân núi là các thửa ruộng nhiều sắc màu, bùn đất nâu xen lẫn mạ non mới cấy.

 

 

Yên Thịnh vào một ngày nắng đẹp. Anh Thuận Bùi cho biết nét độc đáo khác ở đây có lẽ là các cụm dân cư (thôn) có hình dạng bao quát hơi tỏa tròn và đường bê tông liên kết các thôn lại với nhau.

 

 

Qua góc chụp trên cao, quan sát được toàn cảnh nắng sớm soi rọi trên các ngọn núi nhấp nhô, khiến du khách cứ ngỡ như lạc vào nơi tiên cảnh.

 

 

Yên Thịnh có địa hình đa dạng được tạo hóa sắp đặt gồm đồi núi, hang động và thung lũng hội tụ các điều kiện tự nhiên lý tưởng để khai thác du lịch trải nghiệm.

 

 

Nhiều ngọn núi cao, có dốc đá thẳng đứng, hiểm trở được các câu lạc bộ leo núi đã đến khảo sát, đánh giá giá trị và khả năng phát triển loại hình leo núi. Hiện nay, Yên Thịnh có 8 điểm leo núi với trên 100 đường leo đã được đặt tên riêng, các cấp độ từ dễ đến khó cho từng đối tượng có nhu cầu trải nghiệm leo khác nhau.

 

“Tuy nhiên, đang là mùa mưa, nên bộ môn leo núi được khuyến khích thực hiện từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau”, anh Thuận Bùi chia sẻ.

 

 

Ngoài núi đá vôi, Yên Thịnh còn những hồ nước trong xanh màu ngọc bích và những dòng suối uốn lượn quanh thung lũng, phù hợp cho du khách chèo thuyền, câu cá và ngắm thiên nhiên hùng vĩ. Trên ảnh là hồ Đằng Càn, xung quanh là các bãi cỏ rộng, lý tưởng cho cắm trại, phía sau khe núi là hồ Lân Cút.

 

 

Để đến hồ Lân Cút, du khách phải băng rừng một đoạn ngắn khoảng 50m, bù lại cảm giác sảng khoái, tận hưởng không khí trong lành khi đến nơi.

 

Anh Thuận Bùi thông tin nguồn nước sinh hoạt ở đây được lấy từ các nguồn chảy khe núi đá vôi; hệ thống mương máng đã hoàn thiện đủ nước làm nông nghiệp.

 

 

Khung cảnh trong veo trong nắng sớm, một bên là cụm dân cư, một bên là đồng ruộng ngăn cách bởi đường giao thông, hòa quyện nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Ngoài cảnh sắc kỳ vĩ, Yên Thịnh còn là nơi sinh sống của 4 dân tộc anh em Kinh (chủ yếu), Tày, Nùng, Dao với hơn 1.000 hộ, nếp nhà sàn truyền thống 3 gian hoặc 5 gian.

 

Hiện nay người dân Yên Thịnh đã làm du lịch, xã này được tỉnh Lạng Sơn công nhận là Điểm du lịch cộng đồng vào tháng 10/2020 trên phạm vi 3 ba thôn gồm Đồng Tiến, Gạo Ngoài và Láng Áng, lựa chọn một số hộ gia đình tiêu biểu để hướng dẫn cải tạo nhà ở, mua sắm trang thiết bị và thường tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

 

 

Đang vào mùa mưa nên người dân tranh thủ trồng lúa, gieo mạ, nhổ mạ (ảnh) và đem đến cấy vào ruộng. Ngoài trồng lúa, người dân còn trồng các loại cây ăn quả như ổi, bưởi và trồng nhiều na theo các triền núi.

 

 

Thuận Bùi nói người dân nơi đây thân thiện, mến khách, có điều kiện du khách nên trải nghiệm vài ngày, tham quan các di tích tiêu biểu như chùa Sơn Lộc, đình Làng Giàng; nếu đến đúng dịp tham gia Lễ hội Trò Ngô làng Giàng, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tổ chức hai năm một lần vào ngày mùng 10 tháng giêng Âm lịch; hay thưởng thức các loại đặc địa phương, do địa hình núi đá nên có các sản vật tự nhiên như ốc núi đá, cua đá, cá suối, các loại rau rừng, rau bò khai, rau dớn, còn các món dân dã thì giống các nơi khác ở Lạng Sơn như bánh chưng đen hay bánh bí đỏ.

Xem thêm : Những điều người Mỹ muốn khách du lịch biết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *