Nâng chất nhân lực công nghệ thông tin và du lịch Đà Nẵng
Những năm qua, ngành công nghệ thông tin (CNTT) và du lịch TP Đà Nẵng luôn đạt mức tăng trưởng ấn tượng và trở thành hai ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng trong cơ cấu kinh tế thành phố.
Hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch tại Đại học Duy Tân
Thế nhưng, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các ngành kinh tế này ít nhiều bị tổn thương, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Trong đó nổi lên là việc thiếu hụt và không đáp ứng nguồn nhân lực cho sự phát triển lâu dài.
Ý nghĩa trong xây dựng thành phố thông minh
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP Đà Nẵng, việc phát triển và nâng cao chất lực nguồn nhân lực CNTT là nhiệm vụ và giải pháp đột phá có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh.
Sở đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước.
Đồng thời, các cơ sở đã xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp nhu cầu thực tế của xã hội và doanh nghiệp, chú trọng nâng cao kỹ năng thực hành cho nguồn nhân lực CNTT.
Đà Nẵng hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực CNTT, trong đó 20 trường ĐH, CĐ và 18 trường trung cấp, trung tâm đào tạo nghề và trung tâm đào tạo phi chính quy.
Năm 2021, tổng chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành CNTT trên địa bàn hơn 6.000 học sinh sinh viên, trong đó trình độ ĐH và CĐ khoảng 4.500 sinh viên.
TS Nguyễn Đức Mận, viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (ĐH Duy Tân), cho rằng CNTT hiện hữu ở hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, dịch vụ, y tế, giáo dục, giao thông thông minh… nên nhân lực IT luôn được “săn đón” mỗi ngày.
Vì thế, việc triển khai hợp tác quốc tế để đào tạo các chuyên ngành CNTT tại ĐH Duy Tân đang trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực IT chất lượng cao.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực này cũng bộc lộ một số hạn chế trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, số lượng và chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
TP cũng đang thiếu hụt nhân lực CNTT có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm làm việc trong các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất các sản phẩm, ứng dụng chuyên cho thiết bị di động; ứng dụng phục vụ chính quyền điện tử, TP thông minh, an toàn, an ninh thông tin…
Nhân lực CNTT chất lượng cao như trưởng nhóm, quản trị dự án, kỹ sư cầu nối… khan hiếm.
Mặt khác, hiện còn không ít chính sách chưa đi vào thực tiễn, bất hợp lý và thiếu đồng bộ, gây cản trở và chưa tạo điều kiện phát huy tốt nguồn nhân lực CNTT. Thực tế sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã có nhưng kết quả đạt được chưa cao.
Sinh viên Đại học Duy Tân trong giờ học công nghệ thông tin
Giải “cơn khát” nhân lực du lịch chất lượng cao
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, ảnh hưởng COVID-19 khiến gần 70% lao động ngành du lịch thất nghiệp, nghỉ việc. Các khách sạn dừng hoạt động, thu hẹp quy mô kéo theo lao động nghỉ việc hoặc hoạt động cầm chừng. Riêng khối lữ hành gần như mọi bộ phận đều nghỉ việc, các khu điểm du lịch chỉ duy trì vị trí quản lý, bảo vệ…
Hiện nay nguồn du khách đang phục hồi nhưng chưa ổn định, nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu tuyển dụng lao động trở lại. Dự báo năm 2022 tốc độ tuyển dụng lao động sẽ không bắt kịp tốc độ tăng trưởng du khách.
Ngoài ra, một số ngành nghề khác đã thu hút nhân lực từ ngành du lịch nên có khả năng thiếu hụt nhân lực sau khi hoạt động du lịch được khôi phục. Với kế hoạch đón 3,5 triệu khách lưu trú, ngành du lịch Đà Nẵng phải cần tới 35.000 nhân lực, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Anh – chủ tịch Hội Lữ hành TP Đà Nẵng, giám đốc Công ty du lịch Omega Tours – nhận định trong quá trình phục hồi du lịch sẽ có thiếu hụt cục bộ lao động tại một số bộ phận, đặc biệt vào những thời điểm khách cao như ngày cuối tuần, lễ tết.
Qua hai năm thất nghiệp, đội ngũ lao động cần được ôn lại kỹ năng, tập huấn nghiệp vụ phục vụ để đáp ứng yêu cầu. “Sau thời gian dài không hoạt động, trình độ nghiệp vụ chuyên môn người lao động bị giảm sút. Chúng ta cần có những lớp bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân lực khi hướng tới thị trường khách du lịch cao cấp như golf, MICE, wedding, tàu biển.
Chúng ta có lợi thế đội ngũ lao động trẻ và có năng lực, nhưng các doanh nghiệp lữ hành còn ở quy mô nhỏ. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ đào tạo nhân lực để phát triển thành các doanh nghiệp tầm cỡ khu vực, đủ tầm dẫn dắt thị trường, đưa khách du lịch quốc tế vào Đà Nẵng” – ông Ngọc Anh chia sẻ.
Theo GS.TS Lim Sang Taek, viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu du lịch (ĐH Duy Tân), sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch mất nhiều lao động có kỹ năng. Để chuẩn bị cho sự tăng trưởng du khách, TP nên kết nối tất cả bên liên quan từ Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong việc khôi phục nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Ông Lim nói mọi hoạt động được thực hiện trực tuyến và từ đó ngành du lịch có khái niệm về du lịch thông minh. Đó là trải nghiệm thông minh, dịch vụ thông minh, di chuyển thông minh, nền tảng thông minh. Trước tình hình này, ĐH Duy Tân đã mở ngành mới là Smart Tourism để tập trung đào tạo về du lịch thông minh tại Việt Nam, tạo ra nguồn nhân sự du lịch chất lượng cao gắn với chuyển đổi số.