BÌNH DƯƠNG – Nhiều địa phương chủ động lên kế hoạch ứng phó khi thị trường tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Lê Quốc Hải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Gia đình (phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một) cho biết, các loại rau củ quả là mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm vì đang thiếu nguồn cung cấp do ảnh hưởng dịch bệnh. Vì vậy, hợp tác xã đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chú trọng sản xuất rau ngắn ngày để tăng sản lượng nhằm bảo đảm cung cấp phục vụ nhu cầu của người dân trong tỉnh.
Vụ này, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) cũng không xuống giống dưa lưới một lần mà chọn phương án rải vụ nhằm giảm áp lực thu hoạch tại cùng một thời điểm.
“Bình thường hợp tác xã cung cấp ra thị trường 100 tấn dưa lưới mỗi tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh, chúng tôi phải điều chỉnh mùa vụ, chỉ làm theo đơn đặt hàng bảo đảm cung ứng sản phẩm vào hệ thống siêu thị từ 40 tấn mỗi tháng”, ông Nguyễn Hồng Quyết – Giám đốc hợp tác xã cho hay.
Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái
Trước tình hình thị trường tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng bởi bệnh, ngành nông nghiệp Bình Dương chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó. Với các loại cây ăn trái có tính thời vụ cao, ngành nông nghiệp khuyến cáo các nhà vườn tuân thủ đầu tư và áp dụng đúng quy trình thâm canh chăm sóc dưỡng cây, hướng dẫn nông dân kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ để điều chỉnh mùa vụ, sản lượng thu hoạch.
Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Dương, ngành nông nghiệp luôn bám sát công tác điều tra, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ có hiệu quả các đối tượng gây hại trên cây trồng. Đồng thời, ngành cũng phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Sau khi thu hoạch tiếp tục thực hiện xuống giống vụ tiếp bảo đảm duy trì quy mô diện tích và sản lượng nông sản theo đơn đặt hàng.
Sở cũng khuyến khích chuyển đổi đối tượng, tập trung rải vụ sản xuất 5 loại rau ăn lá, ăn trái phổ biến như rau cải, dền, mồng tơi, khổ qua, dưa leo. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, toàn ngành cũng tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng tăng quy mô đàn, nhất là đối với đàn heo, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tiếp tục nâng cao công tác quản lý dịch bệnh và kiểm soát giết mổ, chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Với thủy hải sản, tỉnh khuyến khích nông dân sử dụng các giống có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.
“Sở sẵn sàng tiếp nhận bất cứ thông tin nào liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và có gắng tháo gỡ trong thời gian ngắn nhất”, ông Phạm Văn Bông cho biết.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, dù ảnh hưởng bởi dịch, diện tích gieo trồng và năng suất các loại cây trồng chính như lúa, rau quả vẫn tăng so với cùng kỳ. Trong vụ hè thu, ước tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm đạt trên 4.000 ha. Tổng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tỉnh đạt 6.200 ha. Ngoài ra, diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị gieo trồng đạt 552 ha với các loại cây trồng chủ yếu như rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh các loại…
Diện tích sản xuất rau màu trong tỉnh hiện còn duy trì khoảng 800 ha, trong đó tháng 7 trồng mới sau khi thu hoạch 425 ha. Với diện tích sản xuất khoảng 129,5 ha sản phẩm nông sản cung ứng ra thị trường theo hợp đồng thường xuyên, có khả năng điều tiết hỗ trợ khi có nhu cầu phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, có khoảng 670 ha sản xuất theo đơn đặt hàng cung ứng và hỗ trợ đối với các công ty thực hiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, tự tiêu thụ phục vụ người dân và hỗ trợ vùng cách ly tập trung trong tỉnh.