Thêm tin vui về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Xác định rõ điều này, những năm qua, Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và đã đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Như mới đây, tại Khu công nghiệp Sông Khoai (TX Quảng Yên), Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) tổ chức lễ khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam. Dự án có quy mô đầu tư trên 8.380 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), diện tích sử dụng đất hơn 20ha. Mặc dù mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ cuối tháng 9/2021 nhưng chỉ sau gần 4 tháng triển khai xây dựng, chủ đầu tư đã ra mắt sản xuất sản phẩm đầu tiên, vượt trước 7 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự án có tỷ suất vốn đầu tư đạt 417 tỷ đồng/ha (tương đương 18,18 triệu USD/ha) – cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các KCN hiện nay của tỉnh.

Trước đó, cuối tháng 3/2021, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam với quy mô vốn đầu tư 11.499,86 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD), diện tích sử dụng đất 32,6ha. Như vậy, tổng vốn đầu tư của 2 dự án mà Tập đoàn Jinko Solar đầu tư tại KCN Sông Khoai lên đến 19.882 tỷ đồng (tương đương 865,6 triệu USD). Dự án này đóng vai trò quan trọng trong hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn tại Việt Nam của Tập đoàn Jinko Solar. Dự kiến khi đi vào hoạt động chính thức vào tháng 4/2022, dự án sẽ tạo cơ hội việc làm cho 2.200 lao động địa phương.

Công nhân Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) lắp ráp màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao.

Không chỉ đứng đầu về số vốn đầu tư, dự án của Jinko Solar đầu tư trên địa bàn tỉnh còn lập kỷ lục về thời gian chấp thuận chủ trương và chứng nhận đầu tư. Quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chỉ mất 4 ngày kể từ khi Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của chủ đầu tư, sớm 15 ngày làm việc so với quy định của thủ tục hành chính. Từ khi tỉnh có ý kiến chấp thuận đến khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án cũng chỉ trong 1 ngày làm việc, sớm 4 ngày làm việc so với quy định của thủ tục hành chính.

Để dự án sớm đi vào hoạt động ổn định, mới đây Sở LĐ-TB&XH đã họp bàn giải pháp hỗ trợ tuyển dụng lao động cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam. Trước mắt, trong tháng 2/2022, Công ty cần tuyển dụng 600 lao động phổ thông từ 18 đến 45 tuổi, yêu cầu tốt nghiệp THCS trở lên; ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc hộ bị thu hồi đất và cư trú trên địa bàn xã Sông Khoai, TX Quảng Yên. Ngay khi vào công ty, người lao động sẽ được đào tạo nghề miễn phí từ 15-30 ngày và nhận mức lương cơ bản 4,5 triệu đồng/người/tháng. Cộng các khoản phúc lợi, tổng thu nhập người lao động được nhận làm việc chính thức từ 10-12 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Công ty còn có nhu cầu tuyển dụng một số vị trí khác như: Giám đốc chủ quản, giám đốc xuất nhập khẩu, giám đốc thu mua, nhân viên IT, kế toán, kỹ sư cơ điện, vận hành xử lý nước…

Có thể thấy, những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Quảng Ninh tập trung xúc tiến, thu hút đầu tư, bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Đơn cử hết năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh ước đạt 10,28%, đứng thứ 2 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, cao gấp nhiều lần GRDP của cả nước (GRDP 2021 cả nước ước đạt 2,5%). Trong đó, động lực tăng trưởng chính là công nghiệp chế biến, chế tạo với tốc độ tăng trưởng đạt 32,19% so cùng kỳ, đóng góp 3,36 điểm % trong tốc độ tăng trưởng, chiếm tỷ trọng 11,9% trong GRDP. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2021 đạt cao, như: Sợi bông cotton đạt hơn 310.000 tấn, tăng 17% so với năm 2020; loa, tai nghe đạt 7,5 triệu cái, tăng 309,29% so với năm 2020; vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 2,8 triệu m2, tăng 88% so với năm 2020; màn hình ti vi đạt 803.000 cái, tăng 414,74% so với năm 2020; thân mũ đạt 21,4 triệu cái, tăng 265,34% so với năm 2020.

Những kết quả trên cho thấy ngành chế biến, chế tạo thực sự đang tạo ra động lực tăng trưởng mới cho Quảng Ninh trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều biến động do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và đây là hướng đi đúng, trúng, hiệu quả mà Quảng Ninh chọn.

Nguồn: moit.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *