Vẫn bỡ ngỡ với định danh điện tử

Đã có căn cước công dân gắn chip nhưng tại sao vẫn cần định danh điện tử là thắc mắc, thậm chí cảm thấy phiền hà khi sử dụng, của không ít người dân hiện nay.

Có giá trị như căn cước công dân gắn chip

Từ ngày 20.10, người dân VN chính thức có thêm một loại căn cước công dân (CCCD) để chứng minh nhân thân, cũng như dùng những thông tin được tích hợp bên trong để thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Loại CCCD này là định danh điện tử (ĐDĐT), được hiển thị thông tin qua ứng dụng VNeID của Bộ Công an. Dù Bộ Công an đã thực hiện cấp ĐDĐT cho công dân từ lâu và nhiều người đã được sử dụng loại CCCD điện tử này nhưng vẫn không ít người còn bỡ ngỡ, chưa đăng ký được tài khoản, chưa được tích hợp những giấy tờ liên quan (BHYT, giấy phép lái xe, đăng ký xe…) và than khó khăn, phiền hà vì “tự nhiên lại có thêm loại này”.

Vẫn bỡ ngỡ với định danh điện tử - ảnh 1

Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử làm thủ tục khám chữa bệnh tại Hà Nội –TRẦN CƯỜNG

Theo lãnh đạo Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (TTDLQG) thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, người dân đã có CCCD gắn chip điện tử nhưng vẫn cần thiết dùng tài khoản ĐDĐT. Đây là một loại công cụ để chứng minh nhân thân của công dân và dùng để thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, có giá trị như CCCD gắn chip.

Vẫn bỡ ngỡ với định danh điện tử - ảnh 2

Dù nhiều người vẫn còn bỡ ngỡ nhưng định danh điện tử và ứng dụng VNeID sẽ mang lại nhiều tiện ích lớn

TRẦN CƯỜNG

Sau khi cơ quan công an xác định chính xác và gắn đúng danh tính điện tử cho công dân thì tài khoản ĐDĐT có thể hiểu đơn giản là phương thức để công dân quản lý thông tin thẻ CCCD điện tử của mình trên môi trường mạng; thông tin các giấy tờ khi công dân có nhu cầu tích hợp và sử dụng làm tài khoản đăng nhập thực hiện các dịch vụ công nhanh chóng, chính xác mà không cần phải xác minh lại thông tin cá nhân của công dân.

Tài khoản ĐDĐT không tự động sinh ra mà sẽ được cấp khi công dân có yêu cầu. Theo nhu cầu sử dụng của công dân, tài khoản ĐDĐT được chia làm 2 mức. Với mức 1, công dân đăng ký online trực tiếp trên ứng dụng VNeID. Và mức 2, công dân đăng ký trực tiếp tại cơ quan công an, thông thường có thể làm cùng khi đi làm thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Theo TTDLQG, trên thế giới, hiện nay, định danh và xác thực điện tử đang là một xu thế bởi đây là nền tảng hỗ trợ cơ bản cho bất cứ chính phủ nào trong kỷ nguyên số phát triển KT-XH. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy một hệ thống định danh và xác thực điện tử tốt đã giúp đem đến nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp thực hiện trên môi trường điện tử đảm bảo tin cậy, chính xác, an toàn, bảo mật; đồng thời giúp tiết kiệm tài khóa, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường hòa nhập tài chính và nâng cao hiệu quả Chính phủ; đơn giản hóa giải quyết thủ tục hành chính, giảm bớt các loại giấy tờ cá nhân, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Theo Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 8.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên 3 nền tảng: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu CCCD và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh quy định tài khoản ĐDĐT mức độ 2 (khi công dân đến cơ quan công an đăng ký) có giá trị tương đương thẻ CCCD gắn chip vật lý do bên sử dụng dịch vụ quyết định. Người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải sử dụng ĐDĐT do Bộ Công an cấp. Đối với các hoạt động khác nếu có đơn vị được kết nối, sử dụng thì người dân sẽ sử dụng ĐDĐT.

TTDLQG khẳng định, công dân được bảo mật thông tin, tài khoản được bảo đảm không thể giả mạo ngay cả khi bị mất điện thoại di động thông minh có cài đặt ứng dụng VNeID sử dụng tài khoản ĐDĐT.

Không cần mang theo giấy tờ

ĐDĐT trên ứng dụng VNeID cung cấp các tiện tích với mức độ 1: công dân thực hiện được các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng) sẽ tự điền thông tin vào các form đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần; công dân có thể chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét QRCode. Công dân muốn chia sẻ thông tin nào, lựa chọn thông tin đó để tạo QRCode để chia sẻ. Các thông tin của công dân tại mức độ này gồm các thông tin của công dân có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Với mức độ 2, bao gồm các chức năng của mức độ 1 và có thêm các chức năng: ví giấy tờ hiển thị thông tin giấy tờ của công dân, thông tin CCCD thay thế thẻ CCCD gắn chip vật lý. Các thông tin hiển thị trên CCCD điện tử có giá trị tương đương trên thẻ CCCD gắn chip vật lý. Vì vậy, CCCD điện tử có thể phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần trình thẻ CCCD gắn chip vật lý.

Thông tin thẻ BHYT tích hợp trên ĐDĐT trong ứng dụng VNeID sẽ thay thế thẻ BHYT vật lý. Các thông tin hiển thị BHYT trên VNeID được xác thực và truy xuất từ cơ sở dữ liệu BHYT. Vì vậy, thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID có thể phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT mà không cần trình thẻ BHYT vật lý. Bộ Công an, BHXH VN và Bộ Y tế đang phối hợp triển khai ứng dụng quét mã QRCode của ứng dụng VNeID phục vụ xác thực thông tin, khai thác thông tin BHYT mà công dân đã yêu cầu tích hợp khi công dân đi khám chữa bệnh.

Hay như thông tin giấy phép lái xe tích hợp vào ĐDĐT trên ứng dụng VNeID sẽ thay thế giấy phép lái xe, đăng ký xe vật lý. Các thông tin hiển thị giấy phép lái xe, đăng ký xe trên VNeID được xác thực với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, vì vậy, các thông tin này có thể phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.

Cũng theo TTDLQG, ĐDĐT trên ứng dụng VNeID có nhiều thuận tiện khác: tích hợp thông tin người phụ thuộc là người dưới 14 tuổi có quan hệ là con hoặc là người được giám hộ. Thực hiện “thông báo lưu trú” mọi lúc mọi nơi, không cần phải liên hệ qua cơ quan công an; chức năng tố giác tội phạm. Với tình hình diễn biến phức tạp của nhiều loại hình tội phạm như hiện nay, VNeID cung cấp thêm một kênh chính thống để người dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan công an một cách bảo mật, an toàn không sợ bị lộ lọt thông tin. Chức năng phòng chống dịch, giúp khai báo y tế, khai báo di chuyển nội địa và thông tin tiêm chủng. Chức năng quét QRCode để chia sẻ thông tin và xác thực thông tin.

Ngoài ra, người dân chưa có thẻ CCCD gắn chip, nếu có nhu cầu cấp ĐDĐT thì tài khoản ĐDĐT sẽ được cấp cùng thẻ CCCD gắn chip. Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp… khi kết nối, sử dụng dịch vụ xác thực điện tử của hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia cũng sẽ giảm thiểu được nhiều nguy cơ, rủi ro và đặc biệt tạo thuận lợi cho chính người dân đến giao dịch.

Sẽ bổ sung nhiều tiện ích

Trong thời gian ngắn tới, C06 sẽ tiếp tục phát triển, cung cấp thêm tiện ích cho công dân trên ứng dụng VNeID như bổ sung vào ví giấy tờ (tích hợp giấy đăng ký phương tiện, mã số thuế cá nhân); chức năng nhập thông tin giấy tờ để tích hợp, thanh toán điện tử, đẩy mạnh kết nối với hệ thống điện tử của các tổ chức để ứng dụng ĐDĐT được rộng rãi hơn. Khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần.

Lưu ý về bảo mật

Bộ Công an khuyến cáo cá nhân hay đơn vị, doanh nghiệp phải quản lý, bảo mật thông tin tài khoản ĐDĐT của mình không được cho người khác sử dụng.

Tài khoản ĐDĐT của công dân chỉ đăng nhập được trên thiết bị duy nhất tại một thời điểm và mỗi số điện thoại chỉ đăng ký được 1 định danh cho cá nhân theo số CCCD. Ngoài việc bảo mật tài khoản bằng mật khẩu, người dùng có thể lựa chọn thêm phương pháp bảo mật sinh trắc học có sẵn trên thiết bị di động như vân tay, quét khuôn mặt để đảm bảo người khác không thể tùy ý truy cập tài khoản hoặc đánh cắp thông tin. Trong lần đăng nhập đầu tiên, chủ tài khoản bắt buộc phải sử dụng mật khẩu và chỉ dùng được sinh trắc học cho các lần sau đó nếu đã cài đặt. Mật khẩu phải thay đổi định kỳ 6 tháng một lần.

Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân không cài đặt ứng dụng lạ, khả nghi lên thiết bị di động, đồng thời không chia sẻ thông tin tài khoản, tăng cường bảo mật cho thiết bị đang cài ứng dụng ĐDĐT để đảm bảo an toàn.

(Theo thanhnien.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *