Du khách Trung Quốc quan trọng với thế giới ra sao?

Trước đại dịch, khách Trung Quốc chiếm 21% chi tiêu du lịch toàn cầu và khó quốc gia nào có thể thay thế.

 

Hiện nay, nếu bắt chuyến tàu lúc 10h từ quận Marylebone, London đến làng Bicester, Anh vào bất kỳ ngày nào trong tuần, bạn có thể thấy sự vắng vẻ hơn hẳn so với mùa hè cách đây 3-4 năm. Chuyến tàu này đông khách Trung Quốc đến mức loa thông báo phát cả tiếng Anh và tiếng Trung. Nhưng hiện tại không có khách Trung Quốc, việc di chuyển dễ dàng hơn và cũng chẳng còn thông dịch viên.

 

Trước dịch, mỗi năm làng Bicester đón khoảng 6 triệu khách. Hơn 1 triệu khách đến từ Trung Quốc. Ảnh: Puzzle London

Trước dịch, mỗi năm làng Bicester đón khoảng 6 triệu khách, hơn 1 triệu khách đến từ Trung Quốc. Ảnh: Puzzle London

 

Du khách Trung Quốc

 

Anh là điểm đến phổ biến với du khách Trung Quốc. Năm 2005, có khoảng 95.000 lượt khách của quốc gia này đã đến xứ sở sương mù. Năm 2017, số lượt khách đạt 800.000, gấp hơn 8 lần và năm 2019 là 883.000 lượt. Nếu không phải vì Covid-19, con số này có thể đã vượt mốc một triệu. Sau 29 tháng đóng biên, Trung Quốc chưa có thời điểm mở cửa trở lại.

 

Phần lớn khách Trung Quốc đều dừng chân ở London. Điện Buckingham luôn nằm trong top phải đến đầu tiên của họ, sau đó là Bicester. Ngôi làng outlet hội tụ hàng trăm thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới để khách mặc sức mua sắm. Và dù các thương hiệu này đều có ở Bắc Kinh, du khách vẫn thích đến đây nhờ giá rẻ hơn và được miễn thuế. Trước dịch, nơi này từng có 150 người nói tiếng Trung để hỗ trợ người mua hàng. Giờ đây, nơi này vắng vẻ.

 

Trier, nằm bên bờ sông Moselle miền tây nước Đức, là một điểm du lịch hút khách không kém vì là nơi sinh của Karl Marx. Thị trấn Montargis, cách Paris 130 km cũng là điểm hấp dẫn, vì là nơi Đặng Tiểu Bình từng sinh sống và học tập những năm 1920. Những nơi này cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

 

Xem thêm : 1 món ăn đặc biệt món mì chữ ở Nhật Bản

 

 

Đông Nam Á cũng không ngoại lệ. Theo SCMP, Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn nhất trong khu vực trước đại dịch. Năm 2019, Campuchia và Indonesia lần lượt đón 2,4 và 2,1 triệu du khách đến từ Trung Quốc còn Thái Lan vượt trội với 11 triệu lượt. Và khi Trung Quốc vẫn đóng cửa, đồng nghĩa các nước trên mất đi số lượng khách đáng kể. Các nước cũng nhanh chóng tìm thị trường khác để lấp chỗ trống, chẳng hạn như Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.

 

Trên tờ This Week, các chuyên gia chỉ ra rằng Ấn Độ là một thị trường quan trọng nhưng hiện tại và tương lai gần, nó chưa thể bù đắp cho sự thiếu vắng mà khách Trung Quốc để lại. Theo đó, Singapore đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế từ lúc mở lại biên vào hồi tháng 4, trong đó chỉ có hơn 220.000 khách Ấn, quá ít so với 3,6 triệu lượt khách Trung Quốc năm 2019.

 

Điều tương tự với Thái Lan, khi có hơn 221.000 khách Ấn ghé thăm trong sáu tháng qua. Hồi tháng 5, Bangkok Post công bố số liệu 73% các dự án xây khách sạn ở Phuket bị đình trệ. Lý do là lượng khách giảm 90% trong giai đoạn 2020-2021. “Hơn 40% khách quốc tế đến đây là Trung Quốc và Đông Âu cùng khách Nga. Chúng tôi hy vọng mọi thứ có thể phục hồi vào 2025, khi khách Trung quay lại”, Bill Barnett, CEO công ty tư vấn du lịch C9 Hotelworks có trụ sở tại Phuket, nói.

 

Xem thêm : Khách xếp hàng chờ bay dù lượn ở Mù Cang Chải

 

 

Ngoài số lượng, khách Trung Quốc còn có khả năng chi tiêu cao. Đây cũng chính là thách thức đối với các quốc gia muốn tìm thị trường khác thay thế. Kevin Cheong, chuyên gia tư vấn phát triển điểm đến và du lịch, cho biết khách Trung Quốc có xu hướng chi tiêu mạnh tay cho kỳ nghỉ hơn. Bên cạnh đó, khách từ các quốc gia khác nếu phải chi tiêu nhiều tiền cho một điểm đến, họ sẽ chọn những nơi sang chảnh như Dubai hay châu Âu, thay vì đến các quốc gia Đông Nam Á. Nhưng khách Trung Quốc thì được cho rằng, đến đâu họ cũng tiêu nhiều tiền như thế.

 

Theo số liệu công bố của Statista, năm 2016, khách Trung chiếm 21% chi tiêu du lịch toàn thế giới, với 261 tỷ USD. Năm 2019, con số đó là 292,8 tỷ USD và đứng đầu bảng xếp hạng khách quốc tế chi tiêu nhiều nhất thế giới. Mỹ đứng thứ hai với 182,3 tỷ USD và Đức thứ ba với 99,8 tỷ USD.

 

Đến trước năm 1974, du khách Trung Quốc vẫn còn là một khái niệm xa lạ trên thế giới. Nhưng đến những năm 1990, việc du lịch nước ngoài trở thành một thứ xa xỉ, đáng thèm muốn đối với khách nhà giàu. Dần dần, nó trở thành nhu cầu thiết yếu của tầng lớp trung lưu của đất nước. Những năm sau đó, khách Trung Quốc xuất hiện thường xuyên hơn ở Paris, London, Rome…

 

Hiện Trung Quốc đang dần có những động thái cởi mở hơn. Từ 28/6, thời gian cách ly với khách quốc tế nhập cảnh giảm từ hai tuần xuống bảy ngày. Du học sinh cũng được cấp phép quay trở lại nhập học. Cả thế giới vẫn đang chăm chú dõi theo từng động thái mở cửa đường biên của nước này, để chờ đợi cái ngày khách Trung Quốc nườm nượp đi du lịch trở lại giống như trước đây.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ :

Công ty Mỹ Lệ TNHH

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *