Gia đình Hà Nội mê cắm trại ngủ rừng

Hà Nội – Những chuyến cắm trại ngắn ngày giúp hai con của Hà My bớt nhút nhát và gần gũi hơn với thiên nhiên.

 

Nguyễn Hà My, 31 tuổi, là giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội. Gia đình My gồm bốn thành viên đều mê du lịch. Cả nhà chọn cách gắn kết tình cảm bằng những chuyến nghỉ dưỡng dài ngày vào mỗi dịp lễ Tết hoặc nghỉ hè.

 

Năm 2020, Hà My thấy cậu con trai lớn dù đi nhiều nhưng vẫn nhút nhát, chậm nói. My nghĩ con cần thêm những trải nghiệm gần thiên nhiên hơn, đồng thời tăng tính tương tác với mọi người, và cô chọn đổi gió với cắm trại.

 

“Không chỉ mới mẻ với các con, mà chính vợ chồng mình lúc đó cũng chưa biết nhiều về hoạt động này, bọn mình nghĩ chỉ đi thử một hai chuyến Hà Nội cho biết, xem phản ứng của con như thế nào”, Hà My chia sẻ.

 

Gia đình Hà My trong buổi cắm trại ở Hữu Lũng, Lạng Sơn.

Gia đình Hà My trong buổi cắm trại ở Hữu Lũng, Lạng Sơn.

 

Chuyến cắm trại đầu tiên diễn ra ở Ba Vì (Hà Nội), gia đình My thuê một số món đồ cắm trại cơ bản, tự chuẩn bị đồ ăn và rủ thêm hai người bạn cùng tham gia. Bữa trưa giữa rừng thiếu đủ thứ, nhưng cần món đồ gì, cậu con trai lại chạy qua các trại hàng xóm để mượn giúp bố mẹ. Cả nhà ngồi ăn trên tấm bạt, uống nước bằng cốc giấy, cụng ly và nói cười cả buổi.

Cả nhà ưu tiên các địa điểm gần Hà Nội

 

Thấy các con vui, bố mẹ cũng vui, bốn thành viên trong gia đình My trở về nhà lại muốn đi tiếp. Những chuyến đi sau đó, cả nhà ưu tiên các địa điểm gần Hà Nội, địa hình bằng phẳng và đông người như: Sóc Sơn, Đồng Mô (Hà Nội), Thung Nai, Bản Xôi (Hoà Bình), hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc)…

 

Tiêu chí lựa chọn điểm cắm trại của gia đình My thay đổi trong thời gian diễn ra Covid-19, đồng thời cũng là lúc cả nhà đã có nhiều kinh nghiệm hơn. Các điểm đến phải đủ bốn yếu tố: vắng người, địa hình hoàn toàn tự nhiên, có suối nguồn sạch sẽ cho trẻ con chơi và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Trong đó, bốn thành viên đặc biệt yêu thích các vùng núi cao như Sa Pa (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La), Pù Luông (Thanh Hoá), Hữu Lũng (Lạng Sơn)…

 

“Chồng mình làm trong ngành khí tượng thuỷ văn, thi thoảng đọc bản đồ hay phát hiện ra những khu vực mới, cảnh quan đẹp, gia đình thường dựa vào gợi ý đó để có những trải nghiệm cắm trại mới hơn”, Hà My cho biết.

 

Những buổi cắm trại ngắn ngày giúp hai con gần gũi hơn với thiên nhiên.

Những buổi cắm trại ngắn ngày giúp hai con gần gũi hơn với thiên nhiên.

 

Tần suất cắm trại tăng dần, từ mỗi năm hai chuyến, ba tháng một chuyến đến hai tuần một chuyến. Thậm chí có thời gian tuần nào gia đình My cũng cùng nhau đi cắm trại.

 

Mỗi chuyến đi, My lên kế hoạch trước 1-2 ngày, chủ yếu là lên lịch trình di chuyển, còn ăn uống, sinh hoạt đã quen nên không mất nhiều thời gian chuẩn bị. Mùa đông thường chuẩn bị BBQ, mùa hè đồ ăn gọn nhẹ hơn, hạn chế dùng bếp cho đỡ nóng. Đồ cắm trại được ông xã My gấp gọn trong cốp xe ô tô nên lúc nào cũng sẵn sàng lên đường.

 

Chi phí những chuyến đi gần dao động khoảng 2 triệu đồng. Xa hơn có thể từ 5 đến 8 triệu đồng một chuyến. Với đồ camping, thời gian đầu My chỉ mua sắm những món đồ cơ bản như lều, bạt tráng bạc, túi ngủ… Sau đi nhiều, cô nâng cấp đồ camping lên những món chuyên dụng hơn, có thương hiệu tốt. Tổng chi phí đã khoảng 70 triệu đồng.

 

Trong những chuyến cắm trại ngoài trời, My quan sát thấy hai con nói chuyện nhiều hơn, liên tục đặt cho bố mẹ câu hỏi về những con vật, côn trùng, loại cây cối mà chúng lần đầu nhìn thấy. “Tôi nhớ mãi khoảnh khắc cả gia đình đón bình minh cùng nhau ở Bản Bướt (Sơn La), không khí trong lành, được bao bọc bởi cây xanh và một dòng suối nhỏ giữa rừng. Hai đứa nhỏ tự thức dậy rướn người ra khỏi cửa lều, lần đầu được thấy mặt trời mọc như vậy”, Trà My kể.

 

Bản Bướt cũng là một trong những địa điểm cắm trại yêu thích nhất của gia đình My. Đây là địa điểm mới chưa nhiều người biết đến, nằm giữa Mai Châu (Hòa Bình) và Mộc Châu (Sơn La), bản Bướt chỉ cách đường quốc lộ hơn 1 km nhưng cuộc sống gần như tách biệt hoàn toàn thế giới bên ngoài.

 

Ở đây, My cho hai con đi tắm suối, đi bộ ở thung lũng, sáng sớm dậy săn mây, đi thác Tạt Nàng, tối về giao lưu với trẻ em ở bản và cùng tham gia hoạt động nhảy sạp, đốt lửa trại với dân làng. Hành trình diễn ra trong hai ngày một đêm nhưng đầy ắp kỷ niệm và những trải nghiệm mới với cả gia đình.

 

Ngoài việc cho con sống giữa thiên nhiên, mỗi chuyến đi Hà My tạo ra một trò chơi tương tác khác nhau như tìm kho báu, giải đố chữ liên quan đến môi trường để các bé luyện từ vựng tiếng Anh, hay thử thách lên danh sách đồ cá nhân cho mỗi buổi cắm trại.

 

Cả gia đình đón Trung thu ở một nơi xa.

Cả gia đình đón Trung thu ở một nơi xa.

 

Các hoạt động giáo dục con cách bảo vệ môi trường cũng được My chú trọng. Cắm trại giúp tiết kiệm điện vì phần lớn thời gian sử dụng ánh sáng mặt trời, nước cũng được tận dụng từ sông, suối xung quanh. Sau mỗi chuyến đi, cả gia đình cùng nhau dọn rác nơi ở. My chỉ cho con biết rác từ lon nước ngọt, hộp nhựa có thể tái chế, rác từ vỏ hoa quả là loại rác hữu cơ…

 

“Những chuyến đi cắm trại gần như trở thành hoạt động định kỳ của cả gia đình trong ngày nghỉ. Để không chán, chúng tôi lựa chọn điểm đến mới, hoặc làm mới những địa điểm cũ bằng lịch trình mới, các món ăn thay đổi theo mùa, đôi khi chỉ đơn giản là thay đổi trang phục khác. Điều quan trọng nhất vẫn là sự lớn lên của các con qua mỗi lần cắm trại”, Hà My nói.

 

Với những gia đình có con nhỏ cũng mê cắm trại, Hà My chia sẻ kinh nghiệm trước mỗi chuyến đi nên xem trước dự báo thời tiết và lộ trình di chuyển, chuẩn bị sẵn đồ cứu hộ ôtô trong trường hợp gặp sự cố giữa đường. Nếu lựa chọn điểm cắm trại gần sông suối, phải đảm bảo nguồn nước không chảy xiết, nước không sâu. Và luôn mang theo thuốc chống côn trùng cho các con.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ :

Công ty Mỹ Lệ TNHH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *